10.797222346,106.677222250

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đồng sở hữu

10/05/2022 - 04:05:09 PM | 880

Tranh chấp đất đồng sở hữu đang là một trong những tranh chấp đất đai thường gặp nhưng lại khó xác định bởi vấn đề đồng sở hữu giữa nhiều cá nhân. Vậy khi tranh chấp đất đai đồng sở hữu xảy ra, các bên cần làm gì để bảo đảm quyền lợi cho mình? Hãy cùng Luật sư tư vấn đất đai đi vào trường hợp cụ thể và tìm ra hướng giải quyết vấn đề này

Câu hỏi khách hàng đưa ra: Trước đây tôi cùng ba người khác có cùng góp tiền mua một mảnh đất và đã có sổ đỏ chung. Khi tình hình dịch bệnh diễn ra căng thẳng tôi có làm ăn thua lỗ và muốn bán gấp phần đất mà mình sở hữu ở phần đất chung này để chi trả cho khoản nợ của mình. Tuy nhiên, những người còn lại không đồng ý cho tôi bán vì lý do không đạt được giá cả mong muốn dẫn đến hai bên phát sinh tranh chấp. Nay tôi muốn hỏi Luật sư tôi cần làm gì để giải quyết tranh chấp có chung sở hữu này và có thể bán phần đất tôi sở hữu?

1. Quy định về đất đồng sở hữu

 

Bộ luật dân sự 2015 quy định về sở hữu chung tại Điều 207 như sau: Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.

Đối với trường hợp đất đồng sở hữu, các đồng sở hữu có hình thức là sở hữu chung theo phần quy định tại Điều 209 Bộ luật dân sự như sau:

- Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.

- Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, trong trường hợp quý khách, quý khách có quyền đối với phần tài sản thuộc sở hữu chung này, phần diện tích cụ thể mà bạn có quyền định đoạt được ghi cụ thể trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã được cấp.

2. Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai đồng sở hữu

Khi tranh chấp đất đai đồng sở hữu xảy ra, căn cứ đầu tiên để hướng đến việc giải quyết tranh chấp là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất .

Theo đó, Luật đất đai 2013 quy định về Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất thuộc sở hữu chung tại khoản 2 Điều 98 : Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

Trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi nội dung lần lượt các chủ sở hữu và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Do đó, khi tranh chấp đất đai đồng sở hữu phát sinh, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ giúp nhận định được những người sở hữu quyền sử dụng đất và phần sở hữu của họ, căn cứ này sẽ giúp việc giải quyết tranh chấp diễn ra thuận lợi hơn.

3. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đồng sở hữu

Để giải quyết tranh chấp đất đồng sở hữu, trước tiên cần xác định phần đất của mình trong phần sở hữu chung. Sau khi căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng sở hữu nêu ở trên, các đồng sở hữu có thể tự thương lượng, hòa giải với nhau hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của Ủy ban nhân dân nơi có đất đứng ra giải quyết để xác định phần đất thuộc quyền sử dụng của mình, các bên thỏa thuận với nhau sao cho không bên nào chịu thiệt thòi trong việc tranh chấp đất đồng sở hữu.

Cùng với đó, pháp luật đất đai cũng quy định về việc tách thửa quyền sử dụng đất đồng sở hữu tại điểm b, khoản 2, Điều 167 Luật đất đai 2013: Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Từ đó, quý khách có thể tiến hành nộp hồ sơ xin tách thửa để phân chia sử dụng phần đất của mình nếu phần đất tách thửa không làm ảnh hưởng đến các phần đất còn lại. Sau khi tách thửa, quý khách có quyền mua bán mà không cần ý kiến từ các đồng sở hữu như trước đó. Tránh trường hợp tranh chấp đất đồng sở hữu

Hồ sơ xin tách thửa (quy định tại khoản 11 Điều 9 thông tư 24/2014/TT-BTNMT):

- Đơn đề nghị tách thửa theo mẫu;

- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được việc giải quyết tranh chấp đất đai đồng sở hữu các bên có thể liên hệ Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên các đồng sở hữu đều phải tham gia trong quá trình tố tụng để giải quyết tranh chấp.

Xem thêm: Giải quyết tranh chấp đất đai thông qua Tòa án

Qua những thông tin mà Luật sư tư vấn đất đai đã đưa ra, chúng tôi hy vọng quý khách hàng đã có những thông tin cần thiết khi gặp phải vướng mắc đối với vấn đề tranh chấp đất đai đồng sở hữu. Bất kỳ thắc mắc hay yêu cầu hỗ trợ nào từ quý khách hàng sẽ chúng tôi tiếp nhận và giải quyết một cách nhanh chóng và chính xác. Mọi chi tiết xin liên hệ:

Liên hệ qua hotline:

094 221 7878 - Ls Trần Trọng Hiếu trưởng CN là người trực tiếp tư vấn;

096 267 4244 – Ls Trần Trọng Hiếu trưởng CN là người trực tiếp tư vấn.

Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ:

Số 15 đường 21, phường Bình An, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh;

Số 60A đường 22, phường Phước Long B, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh.

Liên hệ qua Zalo – Facebook:

Zalo: 094 221 7878 – Facebook: Saigon Law Office

Liên hệ qua email:

Saigonlaw68@gmail.com

Luatsutronghieu@gmail.com

Bài viết mới nhất

Khi một mảnh đất có nhiều người cùng đứng tên chủ sỡ hữu sẽ ra sao? Nếu tranh chấp đất đai đồng sở hữu phát sinh thì các bên đồng sở hữu cần làm gì để không bị mất quyền lợi đối với phần đất mà mình sở hữu? Giải quyết tranh chấp đất đồng sở hữu

Tranh chấp quyền sử dụng đất

Zalo
Zalo
Gọi điện SMS Chỉ đường
Hotline tư vấn miễn phí: 096 267 4244