Các loại tranh chấp đất đai khác theo Luật Đất đai 2013
Theo quy định pháp luật hiện hành, bên cạnh tranh chấp về quyền sử dụng đất và tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, vẫn còn các loại tranh chấp đất đai khác khá phổ biến. Trong bài viết dưới đây, luật sư nhà đất uy tín sẽ giới thiệu một số loại tranh chấp điển hình khác, nhằm giúp khách hàng xác định chính xác loại tranh chấp mà mình đang gặp phải.
1. Tranh chấp về lối đi chung
Tranh chấp về lối đi chung phát sinh khi có một bên lấn đất, xác định lối đi chung là của mình, hoặc một bên bị các bất động sản liền kề vây bọc, bít lối đi. Theo Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Ngoài ra, đối với bất động sản liền kề, còn có thể xảy ra tranh chấp về việc bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình khác gây ra. (Ví dụ như trổ cửa sổ, xây dựng nhà, cửa, công trình xây dựng khác liền kề gây ảnh hưởng đời sống, kinh doanh, v.v.).
Lối đi chung có thể được cấp sổ đỏ, nếu như không thuộc trường hợp:
- Phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng đất của người khác;
- Phần đất đang tranh chấp là phần đất công cộng được sử dụng làm lối đi chung cho khu dân cư.
Nếu trên sổ đỏ không thể hiện thông tin phần đất này, khách hàng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân xã đo đạc đất đai để giải quyết tranh chấp lối đi chung. Sau đó, thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo theo điểm l, Khoản 4, Điều 95, Luật Đất đai 2013.
Trình tự, thủ tục đăng ký biến động được quy định tại Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, được sửa đổi, bổ sung bới Thông tư 33/2017/TT-BTNMT.
2. Tranh chấp về giải phóng mặt bằng, bồi thường thu hồi đất
Đối với vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất không có căn cứ pháp luật, hoặc vi phạm thủ tục thu hồi, bồi thường dẫn đến tranh chấp giữa người dân và chính quyền địa phương.
Trong lĩnh vực này, thường có những vướng mắc về cách tính và mức giá đền bù về đất, các khoản tiền hỗ trợ tái định cư:
- Bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư còn lại vào đất của cá nhân, hộ gia đình.
- Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp liên doanh.
- Bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp diện tích đo đạc thực tế khác với diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất;
- Tiền hỗ trợ tái định cư.
- Các vấn đề khác có liên quan.
3. Tranh chấp về chuyển mục đích sử dụng đất
Đây là dạng tranh chấp ít gặp hơn, liên quan đến việc xác định mục đích sử dụng đất là gì? Thông thường những tranh chấp này có cơ sở để giải quyết vì trong quá trình phân bổ đất đai cho các chủ thể sử dụng, Nhà nước đã xác định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất.
Tranh chấp phát sinh chủ yếu do người sử dụng đất sử dụng sai mục đích so với khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Ví dụ: Xây nhà ở trên đất nông nghiệp; xây dựng trang trại trên đất lâm nghiệp, v.v.
4. Có bắt buộc hòa giải khi có tranh chấp đất đai không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở, (Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp).
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NĐ-CP, đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì phải hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp trước khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất, v.v thì thủ tục hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.
Như vậy, các tranh chấp được liệt kê trong bài viết trên, không thuộc trường hợp bắt buộc phải hòa giải. Do đó, các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án nếu như không tự hòa giải được.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết về các loại tranh chấp đất đai khác theo quy định pháp luật mới nhất. Trong trường hợp khách hàng có vướng mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ chúng tôi theo thông tin dưới đây để được hỗ trợ kịp thời:
Liên hệ qua Hotline:
094 221 7878 - Ls Trần Trọng Hiếu là người trực tiếp tư vấn.
Liên hệ trực tiếp tại địa chỉ:
Số 15 đường 21, phường Bình An, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh;
Số 60A đường 22, phường Phước Long B, Quận 9, Tp. Hồ Chí Minh.
Liên hệ qua Zalo:
Zalo: 094 221 7878 – Facebook: Saigon Law Office
Liên hệ qua Email:
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý Khách Hàng!